Làm gì để thắp lửa cho nhân viên
Một doanh nghiệp điển hình chỉ có 25% nhân viên hài lòng với công việc và cũng bằng đó nhân viên mất đi sự hào hứng, số còn lại cũng không cảm thấy thú vị với công việc của họ.
Có thể các doanh nghiệp Việt Nam chưa đạt mức “điển hình” đó, nhưng các nhà quản trị có thể học hỏi được gì từ nhận định trên?
Liệu có phải số đông nhân viên luôn muốn đi chung hướng để đạt được sự thành công cùng doanh nghiệp không? Để hiểu được điều đó, một trong những cách mà các lãnh đạo doanh nghiệp nghĩ đến là khảo sát sự hài lòng của nhân viên.
Câu chuyện được Steve Bates kể là về một doanh nghiệp quyết định khảo sát nhằm tìm ra số nhân viên muốn dấn thân cho doanh nghiệp, từ đó nhận diện được những điều cần cải tiến và cách cải tiến. Sau vài vòng khảo sát trong năm, cuối cùng lãnh đạo doanh nghiệp biết rằng trở ngại khiến các nhân viên không dấn thân cho doanh nghiệp chỉ là tiền lương và sự hài lòng trong công việc.
Một số nhân viên tỏ ra hài lòng khi ít phải chịu áp lực trong công việc. Đã có cả chục yếu tố được xếp theo mức độ quan trọng để phản ánh khả năng định hình sự dấn thân của nhân viên cho doanh nghiệp như sau:
- Sự quan tâm của các nhà quản trị về đời sống nhân viên.
- Công việc mang tính thử thách.
- Nhân viên có quyền hạn nhất định trong công việc.
- Doanh nghiệp thực sự hướng về khách hàng.
- Nhân viên có các cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp.
- Doanh nghiệp có tiếng tốt là biết sử dụng lao động.
- Có sự hợp tác tốt trong các nhóm công tác.
- Có đủ mọi phương tiện để làm việc tốt.
- Được tham gia ý kiến trong việc ra quyết định của doanh nghiệp.
- Lãnh đạo doanh nghiệp có tầm nhìn rõ ràng.
Hóa ra, các yếu tố có mối liên hệ đến cảm xúc của nhân viên lại đóng vai trò quan trọng thúc đẩy họ dấn thân và quy trình thúc đẩy sự dấn thân của nhân viên nên bắt đầu bằng một bước đi rất cơ bản: hỏi nhân viên về cảm nhận của họ.
Người ta đã thiết kế nhiều bộ câu hỏi để vận dụng cho các doanh nghiệp. Viện Gallup vốn nổi tiếng về khảo sát dư luận cũng có một bộ câu hỏi nhằm đo lường mức độ dấn thân của nhân viên và kết nối với các kết quả khác của doanh nghiệp như giữ chân nhân viên, hiệu suất làm việc… Họ nêu ra 12 câu hỏi cho mục đích này là:
- Bạn có biết công ty mong đợi gì từ bạn không?
- Bạn có đủ tư liệu và thiết bị cần thiết để làm việc không?
- Bạn có cơ hội để làm những gì mà bạn có thể làm tốt nhất mỗi ngày không?
- Trong bảy ngày qua, bạn có nhận được công nhận hoặc khen ngợi vì đã làm việc tốt không?
- Cấp trên của bạn hoặc đồng nghiệp có quan tâm săn sóc bạn không?
- Có ai tại nơi làm việc khuyến khích sự phát triển của bạn không?
- Quan điểm của bạn có được tôn trọng không?
- Sứ mệnh hoặc mục đích của công ty có cho bạn thấy công việc của bạn là quan trọng không?
- Đồng nghiệp của bạn có cam kết làm công việc với chất lượng cao không?
- Bạn có một người bạn tốt nhất ở nơi làm việc không?
- Trong sáu tháng qua, có ai trong công ty nói với bạn về sự tiến bộ của bạn không?
- Trong năm qua, bạn có cơ hội học hỏi và phát triển ở nơi làm việc không?
Những câu hỏi trên xem ra cũng rất thông thường, nhưng chúng chạm đến cảm xúc của nhân viên – điều mà lãnh đạo doanh nghiệp muốn biết. Đọc các câu trả lời của đội ngũ nhân viên, các nhà quản trị doanh nghiệp sẽ hiểu được hằng ngày các nhân viên của họ chờ đón những điều gì.