Thời điểm vàng để phát triển
Theo chân ngành kinh doanh trực tuyến thâm nhập vào Việt Nam từ khá sớm nhưng thương mại di động (m-commerce) đã có một khoảng thời gian khá chật vật để tồn tại ở thị trường này. Trong hai năm gần đây, sự phát triển nhanh của các dịch vụ trực tuyến cùng sự phổ biến của các dòng điện thoại thông minh (smartphone) giá thấp đã tạo ra hướng phát triển mới cho thương mại di động. Thương mại điện tử di động hay thanh toán trên thiết bị di động trở thành phương thức hữu hiệu nâng cao doanh số bán hàng trực tuyến và góp phần làm thay đổi dần thói quen thanh toán tiền mặt trong nền kinh tế.
Các nhà kinh doanh trực tuyến dự báo từ nay đến năm 2015 là thời điểm chín muồi của xu hướng thanh toán di động, dựa trên con số thống kê lượng điện thoại di động thông minh đã chiếm 50% tổng số lượng điện thoại được tiêu thụ trên thị trường trong năm tháng đầu năm.
Tạo sự chuyển biến cho ngành bán lẻ và quảng cáo
Vào giữa tháng 5 này, Công ty cổ phần Thế Giới Di Động đã đưa phiên bản nâng cấp của trang web thegioididong.com vào hoạt động. Mục đích của việc nâng cấp này là phục vụ khách hàng truy cập trang web từ thiết bị di động. Sau khoảng thời gian chạy thử nghiệm, công ty ghi nhận lượng truy cập từ thiết bị di động của khách đã tăng hơn 200%. Tổng giám đốc công ty, ông Nguyễn Đức Tài, kỳ vọng Thế Giới Di Động sẽ đạt doanh thu trực tuyến 100 tỉ đồng trong năm nay.
Có lẽ không chỉ một mình Thế Giới Di Động cảm nhận được sức lan tỏa của xu hướng di động hóa trong thế giới công nghệ. Nhiều trang web thương mại điện tử trong thời gian gần đây đã đầu tư cho trang web của mình, nhằm hỗ trợ việc truy cập từ các thiết bị di động. Trang web chodientu.vn cũng đã thống kê được lượng truy cập từ các thiết bị sử dụng các hệ điều hành Android và iOS tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo trang web 123mua.vn, lượng truy cập từ người sử dụng thiết bị di động cũng tăng gần 20%.
Ông Nguyễn Hữu Tuất, Giám đốc kỹ thuật của Công ty Peacesoft, đơn vị chủ quản trang chodientu.vn, cho biết lượng giao dịch thành công được thực hiện từ thiết bị di động thông minh hiện chiếm tỷ lệ khá lớn và cao hơn cả lượng giao dịch thực hiện trên máy tính. Còn theo ông Nguyễn Thế Đông, Giám đốc trang web 123mua.vn, lượng truy cập từ các thiết bị di động chưa tăng cao đột biến mà tăng dần dần theo từng tháng.
Trong lĩnh vực quảng cáo, thị trường cũng đang đón nhận những tín hiệu tích cực đến từ kênh di động. Nhiều doanh nghiệp đã nhận ra sau dịch vụ quảng cáo ngoài trời, ti vi, báo chí và màn hình máy tính thì quảng cáo trên thiết bị di động là “mảng ghép” thứ năm trong “bức tranh” chiến lược thu hút khách hàng tiềm năng.
Ông Nguyễn Nam Thành, Giám đốc điều hành công ty Touch Solutions, đơn vị cung cấp giải pháp tiếp thị trên thiết bị di động, nói rằng so với cách đây một năm, nhu cầu tìm hiểu về dịch vụ tiếp thị trên thiết bị di động của doanh nghiệp đã tăng lên nhiều lần. Nhiều doanh nghiệp khách hàng đã lên sẵn chiến lược quảng cáo cho doanh nghiệp mình và tìm đối tác triển khai.
Còn theo bà Lưu Hoàng Anh, Tổng giám đốc công ty CleverAds chi nhánh TPHCM, thói quen sử dụng thiết bị di động ngày càng nhiều của người tiêu dùng đã làm cho các nội dung chạy trên máy trở thành mảnh đất màu mỡ cho nhà quảng cáo. Từ đó, kéo theo sự ra đời của hàng loạt loại hình quảng cáo như Search Ads (sử dụng cho các công cụ tìm kiếm), Mobile Apps (quảng cáo trong các chương trình ứng dụng), Mobile Web Advertising (quảng cáo trên các trang web phiên bản di động)…
Thúc đẩy thanh toán trực tuyến
Trước làn sóng di động hóa ngày càng tăng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến cũng không đứng ngoài cuộc. Ông Trần Việt Vĩnh, Phó giám đốc điều hành Ngân Lượng, cho biết hiện doanh nghiệp này đang cùng đối tác là công ty Soft Space và các tổ chức thanh toán quốc tế để triển khai giải pháp M-POS (Mobile Point Of Sale – điểm bán hàng phục vụ thiết bị di động) đến các ngân hàng.
Theo đó, thiết bị POS hiện tại sẽ được thay thế bằng một thiết bị nhỏ hơn có khả năng kết nối với điện thoại thông minh của khách hàng. Một phần mềm ứng dụng quản lý thông tin tài khoản thẻ cài đặt trong máy sẽ tự động hoàn tất các giao dịch. M-POS có giá rẻ hơn khoảng 10 lần so với các thiết bị POS hiện tại (khoảng 200 đô la Mỹ/thiết bị).
Song song đó, Ngân Lượng cũng đưa ra giải pháp thanh toán thông qua phương thức USSD (Unstructured Supplementary Service Data). Hiểu một cách đơn giản là khi khách hàng gửi các mã số dịch vụ đến tổng đài (ví dụ như *101#, *098#…) thì điện thoại của họ sẽ kết nối với tài khoản của chính họ ở ngân hàng để thực hiện việc thanh toán hóa đơn. Ưu điểm của dịch vụ này là chương trình ứng dụng có thể chạy trên điện thoại thông minh lẫn điện thoại di động bình thường và tương thích với nhiều nhà mạng.
Về khâu bảo mật, các nhà phát triển M-POS sẽ áp dụng chuẩn EMV cấp độ 2 (do các tổ chức phát hành thẻ Europay, Visa, MasterCard quy định) còn phương thức thanh toán USSD sẽ dựa trên chuẩn PCI DSS (Payment Card Industry Data Security Standard) do Hội đồng Tiêu chuẩn Bảo mật (PCI Security Standards Council) đưa ra. Dự kiến, Ngân Lượng sẽ đưa hai dịch vụ này ra thị trường vào tháng 7. Ông Vĩnh cho biết trước mắt cả hai dịch vụ sẽ hỗ trợ khách hàng thanh toán thông qua thẻ MasterCard và Visa nhưng ông không công bố mức phí cũng như tên các ngân hàng tham gia.
Vẫn còn nhiều thách thức
Bên cạnh việc mang lại nhiều cơ hội kinh doanh, xu hướng di động hóa đang đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp khi mà khách hàng ngày càng có những yêu cầu cao hơn trong việc tìm kiếm thông tin, mua bán, thanh toán… trực tuyến. Một số trang web hoạt động theo mô hình B2C (Business to Customers) và C2C (Customers to Customers) chia sẻ rằng áp lực đang đè nặng lên vai họ khi phải đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu về việc truy cập, tìm kiếm thông tin của khách hàng lẫn chủ cửa hàng một cách ngày càng đơn giản và nhanh chóng hơn. Trong khi đó, đối với các trang bán lẻ, bên cạnh yếu tố tốc độ truy cập thì thông tin về sản phẩm phải chính xác, đầy đủ để tăng khả năng bán được hàng.
Như trường hợp thegioididong.com, ông Tài cho biết hiện trang web được kết nối trực tiếp với hệ thống thông tin quản lý toàn diện doanh nghiệp (Enterprise Resource Planning) của công ty, khách hàng có thể biết được mặt hàng nào còn trong kho và được bán ở đâu. Ngoài ra, lượng truy cập càng nhiều đòi hỏi quy trình xử lý thông tin càng phải có hiệu quả. Ông Tài cho biết trong thời gian tới, thegioididong.com sẽ không chú trọng việc giảm giá cho khách mua trực tuyến (trừ khi có các chương trình khuyến mãi), thay vào đó công ty sẽ tập trung giải quyết nhu cầu mua sắm của khách hàng sao cho từ lúc khách đặt hàng đến lúc giao hàng chỉ mất trong vòng hai giờ.
Chia sẻ quan điểm của ông Tài, ông Đông của 123mua.vn cũng nhận định trong thời gian tới, các trang web thương mại điện tử sẽ cạnh tranh nhau ở yếu tố giao hàng nhanh và bảo đảm nhất, chứ không đơn thuần là hỗ trợ khách hàng truy cập trang web nhanh.
Còn ông Thành của Touch Solutions lại cho rằng các hình thức tiếp thị trên thiết bị đòi hỏi phải có tính sáng tạo cao và nhà quảng cáo phải có chiến lược thích hợp, do loại hình quảng cáo này có mặt hạn chế nằm ở khả năng hiển thị cũng như tốc độ xử lý dữ liệu.
“Xu hướng di động hóa là mảnh đất màu mỡ cho lĩnh vực tiếp thị, vì người tiêu dùng ở Việt Nam phần lớn là người trẻ, yêu thích công nghệ. Tuy nhiên, một trong những khó khăn là phải làm sao thay đổi thói quen nơi họ”, ông Thành nói. Tương tự, ông Vĩnh của Ngân Lượng cũng cho rằng việc thay đổi thói quen từ thanh toán bằng tiền mặt sang thẻ tín dụng là điều không dễ dàng và cần có cả một khoảng thời gian dài để chinh phục niềm tin của khách hàng về những lợi ích mà điều này mang đến.